Đối với những ba mẹ không tự tin lắm với khả năng nói Tiếng Anh của mình thì chắc hẳn đây là nỗi lo lắng và băn khoăn khá lớn đúng không? Tuy nhiên, “Thế nào là phát âm Tiếng Anh chuẩn? Khái niệm “phát âm chuẩn” trước giờ luôn được hiểu là phát âm như người bản ngữ, hay cao cấp hơn một chút thì là phát âm theo chuẩn Anh – Anh và chuẩn Anh – Mỹ. Nhưng trên thực tế, ngay cả đối với những người bản ngữ, sự khác biệt vùng miền cũng khiến cho cách phát âm của họ có sự khác nhau. Cùng là ở nước Anh, nhưng những người ở London sẽ có cách phát âm khác với những người ở Liverpool, cũng sẽ khác với những người ở Manchester…Chính vì vậy, khái niệm chuẩn là một khái niệm vô cùng mơ hồ bởi trên thực tế không có gì là tuyệt đối cả. Và tất nhiên, cũng không có một bộ quy tắc nào quy định sự chuẩn hóa của phát âm Tiếng Anh.

Ba mẹ có đồng ý rằng ngôn ngữ chỉ là công cụ giao tiếp, và mục tiêu của việc học ngôn ngữ là để phục vụ cho các hoạt động sống một cách hiệu quả không? Chính vì thế mà phương pháp giảng dạy Ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching) đã trở thành phương pháp giáo dục ngoại ngữ được áp dụng nhiều nhất trong những năm gần đây. Phương pháp này không đề cao việc Phát âm chuẩn mà nó nhấn mạnh vào khả năng hiểu được (intelligibility) của người nói trong môi trường giao tiếp. Thay vì cố gắng phát âm chuẩn, mục tiêu mà ba mẹ và các con nên hướng tới khi học Tiếng Anh là học cách Phát âm đúng.

Hoa luôn luôn mong muốn được khuyên ba mẹ rằng dù Tiếng Anh của ba mẹ chưa thật sự hay thì hãy luôn mạnh dạn học cùng con, đồng hành cùng con trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ này nhé. Quá trình học Tiếng Anh của con chính là việc làm quen với việc sử dụng ngôn ngữ một cách liên tục, vì vậy việc ba mẹ thường xuyên trò chuyện cùng con bằng Tiếng Anh tại nhà chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tiến bộ rõ rệt. Khi ba mẹ dạy con Tiếng Anh, con sẽ dần được làm quen và phát triển tư duy theo Tiếng Anh. Có thể ba mẹ chỉ cần sử dụng những câu giao tiếp đơn giản thôi, ví dụ như “Baby, can you give me a bowl”, dù ba mẹ có phát âm là “ơ bâu” nhưng khi đặt từ đó trong câu hoàn chỉnh và trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể thì con vẫn hoàn toàn hiểu được, và điều đó tạo cho con sự phản xạ tư duy Tiếng Anh ngay trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Ms Hoa Junior cố súy cho việc ba mẹ phát âm sai, phát âm bừa khi học cùng các con. Ba mẹ cần phải luôn chắc chắn về cách phát âm của mình khi học Tiếng Anh cùng con, ba mẹ đừng đặt nặng vấn đề hay hay không hay mà quan trọng là phải phát âm đúng. Phát âm đúng là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nếu ngay từ khi bắt đầu các con đã bị phát âm sai, điều đó được coi tương tự như việc nói ngọng trong tiếng Việt, các con chắc chắn sẽ mất rất nhiều công sức sửa sai sau này hoặc luôn mắc lỗi ấy về sau.

Kiến thức là vô hạn và tất nhiên là trên chặng đường chinh phục Tiếng Anh cùng con chắc chắn sẽ có những kiến thức mà ba mẹ chưa từng gặp cũng chưa từng nghe đến bao giờ, vậy ba mẹ sẽ phải dạy cho con như thế nào nhỉ? Ngay cả mình trong quá trình đồng hành cùng Nhím cũng đã từng rất nhiều lần gặp phải những từ vựng mà bản thân mình cũng chưa từng có khái niệm gì về nó.

Ví dụ như mới gần đây thôi, khi đọc một cuốn sách cùng Nhím để tìm hiểu về các loại côn trùng, Nhím có chỉ vào hình vẽ “con ve sầu” và hỏi mình là “Mommy, what is this?”.

Cũng giống như hình ảnh bên trên, mình có để ý thấy chữ viết Tiếng Anh của “con ve sầu” là “cicada”, tuy nhiên trên cuốn sách đó lại không hề ghi phiên âm cách đọc của từ đó. Ban đầu, vì chưa có sự chuẩn bị trước và cũng phải tự nhận là lúc đó mình cũng khá lười để đi tìm cách đọc đúng nữa nên mình đã tự đoán bừa cách đọc và bảo Nhím cách phát âm từ đó. Nôm na lúc đó mình đã bảo Nhím con ve sầu trong Tiếng Anh được phát âm là /;sɪkədə/(“si cờ đờ”) và mình đương nhiên không chắc chắn về điều này. Nhưng một lúc sau đó, mình có lấy từ điển ra tra thử thì mới phát hiện thì ra mình đã dạy sai cho Nhím. Từ “con ve sầu” trong Tiếng Anh phải được phát âm là /sɪˈkeɪdə/“si kêi đờ” thay vì /;sɪkədə/“si cờ đờ” như mình đoán ban đầu. Nếu đã lỡ sai thì đương nhiên phải sửa sai, đó là chuyện hết sức bình thường đúng không ba mẹ? Mình đã gọi Nhím lại, chỉ vào hình ảnh con ve sầu trong cuốn sách đó và nói với bé: “Hey Nhím, mommy was wrong. This is a /sɪˈkeɪdə/ not /;sɪkədə/. Can you say with mommy?”.

Mình tin rằng một lần mắc lỗi chính là một lần để học hỏi, không chỉ cho bản thân ba mẹ mà cho cả các con nữa. Những lần sau khi bắt gặp từ “cicada”, mình thường cố tình phát âm chệch đi như khi ban đầu mình dạy cho Nhím, và cũng thật sự bất ngờ khi thấy rằng, không những Nhím không đọc theo mà còn nhắc nhở mình rằng. “No, mommy was wrong. It’s a cicada /sɪˈkeɪdə/”.

Vậy nên, mình mong rằng ba mẹ khi đồng hành cũng con thì hãy luôn tự tin, đừng bao giờ sợ sai, vì sai thì chắc chắn sẽ tìm được cách sửa sai. Điều đó là hết sức tự nhiên và chắc chắn qua những lần mắc sai lầm đó thì cả ba mẹ và các con sẽ đều học hỏi và tiến bộ lên rất nhiếu. Đó mới chính là sức mạnh của sự đồng hành mà mình mong muốn được nhấn mạnh.